E: urlbox.me@gmail.com

Tại sao máy tính đang dùng lại bị tắt nguồn đột ngột?

Đang sử dụng máy tính mà đột nhiên nó bị sập nguồn và tự khởi động lại. Bạn đã gặp phải hiện tượng này chưa?

Việc này không chỉ diễn ra một lần mà tần suất có vẻ thường xuyên hơn và càng khó hiểu là nó không cố định lúc nào cả. Có khi một tuần vài lần, hay có khi vài tuần một lần. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trên blog thì Admin đã có một bài viết khá hay về vấn đề này rồi, tuy nhiên mình vẫn muốn bổ sung thêm một chút theo kinh nghiệm và kiến thức của mình. Bạn có thể đọc lại bài viết của Admin tại đây nhé: Lỗi máy tính Restart liên tục, tự động tắt nguồn và cách xử lý

#1. Do nguồn điện không ổn định

// Chỉ áp dụng đối với máy tính PC (máy tính để bàn nha các bạn), hoặc những máy Laptop sử dụng nguồn điện trực tiếp từ Adapter mà không gắn Pin

Nguồn điện được xem là trái tim của mọi hệ thống máy tính, nó phải ổn định thì mày tính mới hoạt động tốt và bình thường được. Ở đây mình sẽ chia ra 2 phần trong nguồn điện là trước khi vào PC và sau khi vào PC.

tai-sao-may-tinh-dang-dung-lai-bi-tat-nguon (1)

Trước khi vào PC: Đây là nguồn điện dẫn từ ổ cắm điện trong nhà (điện lưới 220v) vào máy tính của bạn và rất ít người thực sự chú ý tới phần này mà chỉ chăm chăm vào chiếc PC mà thôi.

Nên nhớ nguồn điện này có tới 2 chỗ phích cắm, đó là phích vào ổ điện lưới và phích vào nguồn PC. Cần phải đảm bảo cả hai phích này được cắm thật chắc chắn, không lỏng lẻo và hơn hết dây dẫn phải đủ tải. Nếu quá nhỏ cũng gây ra hiện tượng sập nguồn.

Sau khi vào PC: Đây là hệ thống nguồn trong máy tính hay còn gọi đơn giản PSU, bên trong các PSU là một hệ thống mạch phức tạp nhằm chia nguồn điện vào 220V ra nhiều mức điện áp khác nhau, phần đông là điện DC.

tai-sao-may-tinh-dang-dung-lai-bi-tat-nguon (4)

Có thể sau một thời gian sử dụng, chúng có hiện tượng bám bụi gây ra chập mạch, lỗi mạch. Hệ thống sẽ tự động ngắt điện để bảo vệ PC, bạn cần kiểm tra thử xem bên trong có hỏng hóc linh kiện nào không, có vết mụi than nào không. Hay cách nhanh nhất đó chính là lấy một bộ nguồn khác thử vào.

Một bài viết rất hay về cách hoạt động của bộ nguồn máy tính, bạn có thể tham khảo thêm tại đây nhé: Tìm hiểu kỹ hơn về bộ nguồn máy tính (PSU) – những điều bạn nên biết !

#2. Có thể là do lỏng Ram, CPU..

Đây chắc chắn là điều được nhiều anh em biết nhất và tất nhiên là hay gặp nhất. Nhưng cũng ít bạn để ý nhất, đặc biệt là lỏng CPU.

Nếu như Ram được cắm trên một khe Ram và có phần tiếp xúc với không khí nhiều hơn, nên việc sử dụng lâu ngày (nhất là những máy tính không dùng nắp case) sẽ có hiện tượng bị bụi, ẩm, gây ra hiện tượng lỗi màn hình xanh hoặc đôi khi là gây tắt nguồn máy tính đột ngột.

Cái này thì thường gặp và cũng rất dễ để phán đoán, khắc phục.

tai-sao-may-tinh-dang-dung-lai-bi-tat-nguon (5)

Nhưng còn với CPU thì nhiều bạn nghĩ rằng nó đã quá kín rồi, cũng như quá cứng và được ghim quá chắc nên sẽ không thể bị lỏng được. Thực tế thì không phải vậy !

Tại Socket, đế để gắn CPU vào vẫn có những rãnh hở nhỏ, hơn nữa dù nhìn khá là chắc chắn nhưng qua thời gian khi quạt tản nhiệt hoạt động thì bản thân tản nhiệt cũng có những rung lắc nhất định nó cũng ảnh hưởng tới việc lỏng CPU.

Nói chung trường hợp lỏng CPU cũng ít khi xảy ra nhưng không phải là không có !

Cách khắc phục: Kiểm tra lại jack cắm, khe cắm, thử cắm sang một khe cắm khác đối với RAM.

#3. Môi trường xung quanh có hiện tượng ẩm, bụi dẫn điện

Với phần lớn Mainboard (bo mạch chủ) ngày nay, bản thân chúng cũng được các nhà sản xuất trang bị thêm tính năng chống đoản mạch. Bất kì dấu hiệu gì về chập điện (dù là nhỏ) chúng cũng sẽ tự động ngắt nguồn hoạt động trên mainboard nhằm bảo đảm an toàn cho máy tính.

tai-sao-may-tinh-dang-dung-lai-bi-tat-nguon (3)

Đặc biệt là với những bạn xài máy tính cũ, hàng mua lại vốn có thời gian sử dụng trước đó khá lâu rồi. Lớp phủ chống ẩm, chống gỉ trên main đã phai dần theo thời gian, chúng rất dễ bị tác động bởi bụi, ẩm…

Hay cũng không ít bạn gặp trường hợp máy tính thi thoảng bị giật bên ngoài vỏ case (hở mát), đó là do điện bị chập ra vỏ case, đây cũng được xem là nguyên nhân cho việc PC tự tắt nguồn, vì mạch bảo vệ sẽ ngắt khi có dòng điện bị rò gây ảnh hưởng thiết bị xung quanh.

Cách khắc phục: Vệ sinh máy, tra keo tản nhiệt cho CPU, nếu bạn không tự làm được thì nên mang ra cửa hàng để họ vệ sinh lại nhé.

#4. Card đồ họa đang có vấn đề

Đây cũng là một trường hợp mà ít người để ý, nếu card đồ họa có hiện tượng bị lỏng thì máy tính cũng sẽ tự tắt nguồn.

tai-sao-may-tinh-dang-dung-lai-bi-tat-nguon (2)

Mình đã từng thử nghiệm “rút nóng” và “cắm nóng” card đồ họa khi máy tính đang hoạt động, cả hai lần thì PC đều tự tắt nguồn và khởi động lại. Hoặc bản thân card có hiện tượng chập mạch nên máy tính cũng tự tắt để bảo vệ toàn hệ thống.

Cách khắc phục: Bạn tạm thời tháo thử card đồ họa ra và sử dụng máy tính xem còn bị hiện tượng đó nữa hay không nhé !

Vâng, đó là những nguyên nhân khiến máy tính bị tắt nguồn đột ngột mà mình đã từng gặp phải trong quá trình sử dụng máy tính. Và đó cũng chính là 4 lý do và 4 lưu ý mà bạn cần phải chú ý khi PC gặp hiện tượng như vậy.

Bởi việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm sử dụng và tuổi thọ của máy tính, nhất là ổ cứng. Vậy nên bạn hãy chú ý đọc kỹ và xem xét từng vấn đề để loại trừ dần các trường hợp nhé.

Ngoài những nguyên nhân mà mình đã liệt kê ở bên trên ra, nếu bạn còn biết thêm nguyên nhân nào khác thì đừng quên comment bên dưới bài viết này để anh em có thể tham khảo kinh nghiệm của bạn nhé. Thank you !

Bình luận của bạn

top